Khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế, giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu.
Xanh hóa logistics trong TMĐT đang đóng vai trò quan trọng để bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững. Ảnh minh họa: INT
Các nhà bán lẻ cần có những giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới xu hướng “xanh”…
Tác động tới môi trường
Theo số liệu mới nhất của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, trong năm 2024, có đến 59% người tiêu dùng sẵn sàng tăng cường sử dụng các sản phẩm “xanh”. Điều này cho thấy, xu hướng tiêu dùng xanh đang dần trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam.
Nắm bắt được xu thế này, nhiều nhãn hàng tiên phong trong lĩnh vực sản phẩm bền vững và bảo vệ môi trường của Việt Nam cũng đã lựa chọn thương mại điện tử (TMĐT) làm kênh phân phối và quảng bá.
Sự hợp tác này không chỉ là đòn bẩy để tiếp cận được đến tệp khách hàng trẻ có tư tưởng cởi mở, có tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng và môi trường, mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt lan tỏa rộng rãi triết lý sống xanh, hướng đến sự phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng (Hội đồng Tư vấn của Hiệp hội TMĐT Việt Nam), bao bì phổ biến cho các gói, kiện hàng hóa trong bán lẻ trực tuyến là hộp carton, túi giấy hoặc túi nilon.
Vật liệu phụ dùng để chèn, lót, bọc bao gồm băng keo nhựa hoặc băng keo giấy, xốp nilon bong bóng khí hoặc giấy hay thùng carton cắt sợi để chèn hàng hóa, mút xốp hoặc giấy cố định sản phẩm, màng bọc nilon, màng bọc hay nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy quấn quanh hàng hóa.
Khảo sát nghiên cứu trên các kênh bán hàng trực tuyến cho thấy, túi nilon được sử dụng trên mọi nền tảng online, không phân biệt là website, sàn TMĐT hay mạng xã hội. Khi bán hàng đa kênh thì số lượng nilon dùng trong đóng gói chiếm tỷ trọng rất cao và vượt trội so với bán hàng đơn kênh, với tỷ lệ tương ứng là 71,9% và 50%.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường bán lẻ hàng hóa trực tuyến năm 2023 của Việt Nam ước tính khoảng 17,3 tỷ USD; dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ ước đạt trên 1,4 tỷ USD. Ước tính năm 2023, TMĐT ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn.
Hiện nay, hầu hết rác thải nhựa từ TMĐT bị bỏ lẫn với rác thải sinh hoạt nên chưa được thu gom, phân loại, tái chế hoặc xử lý thân thiện với môi trường dẫn đến một tỷ lệ cao rác thải nhựa từ TMĐT sẽ đổ ra biển. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có bất cứ quy định pháp luật nào về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, hạn chế vật liệu nhựa đối với đóng gói hàng hóa bán lẻ trực tuyến.
Cùng đẩy mạnh “xanh hóa”
Hoạt động logistics đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng của TMĐT, nhưng cũng là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Vì vậy, việc “xanh hóa” hoạt động logistics cũng là nhu cầu bắt buộc để phát triển TMĐT bền vững hơn.
Theo các chuyên gia, logistics xanh là phương pháp quản lý chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến môi trường.
Điều này bao gồm việc tối ưu vòng quay phương tiện và năng lực vận chuyển của các phương tiện để giảm tình trạng xe rỗng, đồng thời liên kết các phương thức vận tải nhằm giảm các phương thức không thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, “xanh hóa” còn ở việc ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong bao gói sản phẩm và tìm cách tái sử dụng bao bì.
Thực tế, việc áp dụng các giải pháp logistics xanh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội. Theo Báo cáo Logistics Việt Nam, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10 – 20%. Trong chi phí logistics, chi phí vận chuyển có tỷ lệ cao nhất khoảng từ 60 – 80%.
Chính vì vậy, việc tối ưu hóa chi phí vận chuyển không những giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, mà còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển.
Theo nghiên cứu của các tổ chức Google, Temasek và Bain & Company, việc tối ưu hóa hoạt động vận chuyển trong TMĐT như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện môi trường để đóng gói hàng hóa… sẽ góp phần cắt giảm được 30 – 40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.
Không những vậy, doanh nghiệp cũng nâng cao được uy tín và thương hiệu nhờ sự chuyển đổi có tính đóng góp cho môi trường, từ đó thu hút khách hàng có ý thức cùng chung tay bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi logistics xanh sẽ tạo lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp TMĐT và bưu chính như Lazada, Grab hay Viettel Post đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường, đơn cử như tiết giảm số lượng thùng carton, chuyển sang dùng 100% bao bì tái chế hay giảm rác thải nhựa; khuyến khích khách hàng chờ giao hàng chậm, thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng nhanh…
Chia sẻ với báo chí, Phó Tổng Giám đốc Viettel Post, Đinh Thanh Sơn cho rằng, hiện tại có nhiều công nghệ hiện đại đang được triển khai trên thế giới trong lĩnh vực logistics nhằm tối ưu hóa vận hành và bảo vệ môi trường.
Về phần mình, Viettel Post đang hợp tác với các hình thức vận tải đường sắt và đường biển để nâng cao năng lực logistics; đồng thời đặt mục tiêu chuyển phát 20 triệu đơn hàng mỗi ngày, kết hợp phát triển bền vững thông qua việc trang bị xe tải điện năng lượng Mặt trời và ứng dụng công nghệ trong giám sát, vận hành kho thông minh.
Chuyển đổi logistics xanh trong TMĐT không chỉ là xu hướng, mà còn là con đường tất yếu để phát triển bền vững và mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này cần sự hợp tác chặt chẽ từ doanh nghiệp, Chính phủ và người tiêu dùng để tạo thành một hệ sinh thái logistics xanh hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chuyên gia Nguyễn Tấn Phát cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các giải pháp logistics xanh, đầu tư công nghệ, tối ưu hóa hoạt động và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.
“Về phía Chính phủ cần có khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi logistics xanh qua việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng thời xây dựng hệ thống giao thông xanh và cơ sở hạ tầng phù hợp. Người tiêu dùng nên ủng hộ, ưu tiên các doanh nghiệp cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và bao bì thân thiện, chung tay bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực”, chuyên gia Nguyễn Tấn Phát cho biết.
Theo Giáo Dục Thời Đại
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/xanh-hoa-thuong-mai-dien-tu-huong-toi-kinh-te-ben-vung-post708626.html