Với 23km chiều dài bờ biển và vị trí địa lý thuận lợi, những năm gần đây, Tiền Hải đã và đang huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh khai thác kinh tế biển theo hướng bền vững. Qua đó, dần khẳng định vai trò, vị thế trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh Thái Bình.
Toàn huyện Tiền Hải có hơn 2.300ha nuôi ngao. Ảnh: Trọng Tài
Đại hội Đảng bộ huyện Tiền Hải lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định, đầu tư xây dựng hệ thống, kết cấu hạ tầng khu vực ven biển đồng bộ, hiệu quả là khâu đột phá chiến lược và xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, tập trung thu hút mạnh mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, khai thác tài nguyên biển một cách bền vững, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản, nhất là ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo hình thức nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng một số cơ sở giống thủy sản chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, có khả năng cạnh tranh trên thị trường…
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải. Ảnh: Trọng Tài |
Bám sát chủ trương, phát huy lợi thế bờ biển trải dài, đất đai phì nhiêu; hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, những năm gần đây, Tiền Hải đã có những bước đi thích hợp và cách làm mới trong quy hoạch phát triển kinh tế biển.
Đặc biệt, huyện đã chú trọng phát triển toàn diện cả khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản; gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi giá trị.
Song song với đó là tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ và nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với bảo vệ rừng phòng hộ.
Năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện phát triển khá toàn diện; có sự chuyển dần sang sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Tổng giá trị toàn ngành ước đạt 5.391,9 tỷ đồng.
Một số sản phẩm thủy, hải sản sau chế biến của Tiền Hải đã và đang trở thành những thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng. Ảnh: Trọng Tài |
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.142ha, tăng 48ha so với năm 2020; trong đó, có hơn 2.300ha nuôi ngao. Giá trị sản xuất trên 1ha nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 456,4 triệu đồng; sản lượng thủy, hải sản hàng năm đạt trên 98.000 tấn. Tốc độ tăng trưởng khai thác thủy sản trong nửa nhiệm kỳ qua đạt trên 4,0{19921ee492a4e7a2ca7d041b7a296572cae8af398d0cf32d147210f5c9dd47da}/năm…
Trong năm, cùng với việc tiếp tục duy trì diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ, Tiền Hải tiếp tục mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước mặn lên hơn 5.000ha. Đồng thời, không ngừng mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên hơn 300ha.
Cùng với việc phát triển và mở rộng diện tích nuôi thương phẩm, huyện cũng khuyến khích nuôi, ươm các loại giống đảm bảo cung ứng đủ nguồn giống tại chỗ phục vụ cho nhu cầu của các hộ nuôi trên địa bàn.
Đồng thời, quan tâm phát triển nghề chế biến thủy, hải sản. Bước đầu đã có những cơ sở nghiên cứu và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này. Trên thực tế, một số sản phẩm thủy, hải sản sau chế biến của Tiền Hải đã và đang trở thành những thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng…
Hoạt động khai thác hải sản của huyện theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ. Ảnh: Trọng Tài |
Với quyết tâm “vươn ra biển, làm giàu từ biển”; bảo đảm đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản bền vững, thời gian tới, Tiền Hải chú trọng gắn đánh bắt với chế biến nhằm giải quyết lao động phụ nghề cá, tăng thu nhập cho ngư dân; mở rộng diện tích nuôi thủy sản, khuyến khích ứng dụng công nghệ vào quá trình ươm nuôi để nâng cao sản lượng và giá trị thủy sản của địa phương.
Bên cạnh đó, tăng cường các chương trình khuyến ngư để chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao sản lượng, chất lượng nuôi trồng thủy sản, nhất là các loại có giá trị hàng hóa cao.
Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng và nhân rộng mô hình tổ đánh bắt hải sản gắn với công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ an ninh trật tự trên biển. Quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đặc biệt, quản lý chặt chẽ diện tích đất bãi triều ven biển, giữ gìn và phát triển sự đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước và phát triển rừng ngập mặn theo hướng thực chất, hiệu quả. Thực hiện rà soát, lập quy hoạch các khu vực bãi triều ven biển ngoài phạm vi ranh giới quy hoạch khu kinh tế để quy hoạch nuôi trồng thủy sản, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trong khu kinh tế.
Theo Thanh Tra
Link gốc: