Cặp đôi người Thụy Sĩ bước vào nhà hàng của một khách sạn nổi tiếng Tây Ban Nha và cuỗm đi hàng chục chai rượu vang, có giá trị hàng triệu bảng Anh.

Căn phòng chứa rượu được mệnh danh là ‘Nhà nguyện rượu vang Sistine’.
Cặp đôi người Thụy Sĩ bước vào nhà hàng của một khách sạn nổi tiếng tại thị trấn Cáceres (Tây Ban Nha) và cuỗm đi hàng chục chai rượu vang có giá trị hàng triệu bảng Anh. Sự việc là mất mát quá lớn cho thị trấn.

Những vị khách kỳ lạ
Ngày 26/10/2021, cặp đôi khoảng 40 tuổi bước vào sảnh khách sạn Atrio, một trong những khách sạn nhà hàng sang trọng nhất Tây Ban Nha, để đặt bàn ăn tối và nghỉ qua đêm. Người phụ nữ đội tóc giả, mang theo chiếc balo nhỏ. Còn người đàn ông không mang theo hành lý, mặc áo ngắn tay để lộ cơ bắp. Cả hai nói tiếng Anh nhưng không tốt lắm.

Sau nhiều năm kinh doanh, bà Carmina Márquez, quản lý nhà hàng khách sạn Atrio, đã học được cách không phán xét khách hàng. “Nhiều người ăn mặc xuề xòa như thể họ chỉ ăn bánh sandwich giá 1 euro đã bước vào đây và gọi một chai rượu vang trị giá 6.000 euro”, bà Márquez kể.

Nhưng lúc sau, khi món khai vị nhỏ xíu giá 195 euro được đưa lên, cặp đôi lộ vẻ bối rối, dù đã cố làm ra vẻ thượng lưu. Nhà hàng Atrio đạt 2 sao Michelin nên họ ắt hẳn phải biết mình đang gọi món gì.

Cặp đôi đăng ký bằng hộ chiếu Thụy Sĩ, tự xưng là kiến trúc sư. Điều đó làm bà Márquez thấy nghi ngờ bởi lẽ, Atrio thu hút sự chú ý của giới nghệ thuật vì khách sạn được cải tạo từ một cung điện cổ kính. Bất kỳ kiến trúc sư nào đến Atrio đều chăm chú ngắm nhìn mọi đường nét, trang trí của tòa nhà nhưng người phụ nữ này thì không.

Sự nghi ngờ ngày càng dâng cao khi ông Toño Perez, đồng sở hữu Atrio và đầu bếp trưởng, tới bàn ăn chào hỏi khách hàng như thường lệ. Khi biết thực khách là kiến trúc sư người Thụy Sĩ, ông Toño Perez say sưa trò chuyện về Jacques Herzog, kiến trúc sư nổi tiếng của nước này. Nhưng hai người này bối rối và đánh trống lảng sang chủ đề thời tiết.

Buổi tối ngày hôm đó, Atrio tương đối bận rộn với bảy bàn ăn tối và sáu phòng đặt trước. Khoảng 23 giờ 30 phút, cặp đôi thanh toán hóa đơn đắt đỏ bằng tiền mặt, rồi chấp nhận lời mời tham quan hầm rượu huyền thoại của nhà hàng. Căn hầm này được xếp vào loại lớn nhất thế giới với 36 nghìn chai rượu, trong đó, nhiều chai vô cùng hiếm.

Người phục vụ đi cùng họ, Gabriel Ichin, nhớ lại đó là chuyến tham quan ngắn ngủi bất thường. Cặp đôi dường như không có hứng thú với rượu vang hay thiết kế ấn tượng của căn hầm, gồm mái vòm bằng gỗ mới và đá cổ niên đại hàng trăm tuổi. Căn hầm được thiết kế theo kiểu đền Pantheon ở Rome. Kết thúc chuyến tham quan, cả hai trở lại phòng nghỉ ngơi.

Lúc 0 giờ 50 phút, người phục vụ hoàn thành sổ doanh thu buổi tối, tắt đèn hầm rượu và trở về nhà. Khoảng 40 phút sau, nhân viên trực lễ tân ban đêm José María Mostazo nhận được cuộc gọi từ phòng của cặp đôi.

Người phụ nữ kêu đói bụng dù cô ta vừa ăn xong bữa tối cách đó 2 tiếng nhưng José María vẫn đề nghị chuẩn bị salad và một ít trái cây. José María rời khỏi quầy lễ tân và các màn hình giám sát an ninh khoảng 10 – 15 phút.

Đến 5 giờ 30 phút, cặp đôi trả phòng và đưa José María một chiếc thẻ tín dụng trả trước để thanh toán. Người đàn ông mang theo 2 túi hành lý căng phồng cùng nhiều túi xách lớn nhỏ. Nhân viên lễ tân không quá để tâm vì anh ta không hay biết, khi mới đến, hai người chỉ có một túi hành lý nhỏ.

Điều bất thường xảy ra vào đầu giờ chiều ngày hôm đó, khi người quản lý hầm rượu Gritti xuống hầm để chuẩn bị đồ cho bữa trưa. Ông ấy nhận thấy ba khay gỗ ngay lối vào, trước đây là 15 chai Domaine de la Romanée Conti grandu cru (rượu DRC), giờ trống rỗng.

Chai rượu Yquem sản xuất từ năm 1863 biến mất, để lại khoảng trống trên giá đựng rượu.

Gritti vội vàng lao vào căn phòng hình trụ phía sau hầm, được gọi là “Nhà nguyện rượu vang Sistine”. Căn phòng trống trơn. Tổng cộng, 45 chai rượu biến mất, trong đó có 30 chai DRC có độ hiếm và giá trị rất lớn. Nhiều chai có giá niêm yết trên thị trường từ 50 – 68 nghìn bảng Anh.

Tổng cộng, Atrio đã mất số rượu trị giá khoảng 1,25 triệu bảng Anh. Tiền không phải vấn đề lớn nhất trong sự việc này. Nhiều chai rượu có lịch sử, độ hiếm và được chủ nhà hàng khách sạn, ông José Polo, cất công sưu tầm, mang về từ nhiều nơi trên thế giới.

Camera ngoài căn hầm ghi lại hình ảnh người đàn ông Thụy Sĩ, người tự xưng là kiến trúc sư và nghỉ lại ở Atrio tối hôm đó với nhiều điểm bất thường, đã mở cả hai cánh cửa một cách nhanh chóng.

Sau đó, anh ta trở ra cùng số rượu bị đánh cắp. Lý do tại sao anh ta có thể mở khóa căn hầm và ở trong đó bao lâu không được phía khách sạn tiết lộ bởi nó liên quan đến việc bảo mật hầm rượu.

Khi cảnh sát vào phòng của cặp đôi Thụy Sĩ, họ thấy chiếc giường tuy đã xộc xệch nhưng rõ ràng họ còn chưa đặt lưng. Tất cả khăn tắm đều biến mất, được dùng để bọc những chai rượu, tránh va đập và rơi vỡ khi di chuyển.

Ban Chuyên án Tội phạm Hình sự Madrid được cử đến, dành 4 ngày tại khách sạn để rà soát hầm rượu, phòng của cặp đôi và tìm ADN, dấu vân tay, kiểm tra cảnh quay an ninh và phỏng vấn các nhân viên. Hộ chiếu được cho là giả, thẻ tín dụng trả trước không dẫn đến dấu vết nào.

Cảnh sát không loại trừ một người thứ ba đã đợi sẵn trong một chiếc xe hơi gần đó để trợ giúp tẩu thoát. Một chai rượu thường nặng khoảng 1,2 kg nên tổng sức nặng của số đồ đó có thể lên tới 60 kg. Tuy nhiên, số lượng này không làm khó được một người đàn ông lực lưỡng, tháo vát.

Di sản của địa phương
Cáceres là một trong những thị trấn giàu có nhất châu Âu trong thế kỷ 16 và 17 với những công trình tòa tháp, cung điện tráng lệ. Đây là nơi Atrio lưu giữ bộ sưu tập rượu vang quý giá nhất đất nước, trong đó có bộ sưu tập lớn nhất thế giới của dòng vang Château d’Yquem.

Những loại rượu này giống như viên ngọc quý của Cáceres, là một phần di sản của thị trấn này. Trong số những chai rượu bị mất cắp có một chai Yquem từ năm 1863, là chai lâu đời nhất trong hầm rượu, được niêm yết với giá 295 nghìn bảng Anh.

Atrio mở cửa từ năm 1986 và dần dần trở nên nổi tiếng ở Cáceres. Nhà hàng khách sạn này từng giành được 2 sao Michelin – tiêu chuẩn đánh giá ẩm thực thế giới. José Polo và người cộng sự, Perez, bắt đầu xây dựng hầm rượu khi giá những chai Yquems và DRC còn rất rẻ so với hiện nay. Hầm rượu của Atrio có giá trị hàng triệu USD, cao gấp nhiều lần việc kinh doanh nhà hàng, khách sạn phía trên nó.

Tại Atrio, hầm rượu nằm sau hai cánh cửa được mở bằng thẻ từ khách sạn tiêu chuẩn. Chỉ một số nhân viên được ủy quyền mới có thẻ để mở. Tuy nhiên, hệ thống khóa cửa này rất dễ bị tấn công. Nhiều video trên YouTube đã chứng minh điều đó. Một số thẻ có thể được sao chép hiệu quả chỉ với một chiếc điện thoại di động.

Chuyên gia về rượu Maureen Downey phân tích, các hầm rượu cao cấp phải có nhiều camera, thẻ khóa có xác minh ID để ra vào. Khi bị khóa ngoài giờ, căn hầm phải có máy phát hiện chuyển động bên trong. Bên cạnh đó, việc các nhà hàng đăng danh sach rượu lên mạng là một sai lầm vì những tên trộm sẽ lần đến.

Tuy nhiên, Perez đã chỉ ra những thách thức thực tế trong việc tăng cường an ninh cho một nhà hàng hoạt động đông đúc, nơi các thực khách luôn muốn rượu có mặt trên bàn trong chưa đầy một phút. Sau sự việc, Atrio thông báo sẽ tiếp tục tổ chức cho khách hàng tham quan hầm rượu.

Nhà hàng Atrio được đánh giá 2 sao Michelin.

Những người phục vụ rượu vang tại nhà hàng khách sạn Atrio.

Tội phạm về rượu
Tội phạm về rượu đang gia tăng. Gian lận rượu vang ước tính khiến người mua và nhà sản xuất thiệt hại khoảng 400 tỷ bảng Anh trong hai thập kỷ qua. Không chỉ sản xuất rượu giả, những tên trộm còn thực hiện hành vi ăn cắp.

Hai vụ trộm rượu lớn nhất ở Anh đều được cho là do các chuyên gia giàu kinh nghiệm thực hiện, dù cho đến nay, cảnh sát vẫn chưa tìm ra hung thủ. Cụ thể, năm 2011, một băng đảng đã đánh cắp hơn một triệu bảng Anh rượu vang hảo hạng từ kho lưu trữ Balls Brothers ở phía Đông London.

Bị cáo Priscila Lara Guevara là một cựu hoa hậu Mexico. Ảnh: INT

Bốn năm sau, những tên trộm lấy đi gần 1,5 triệu bảng Anh rượu Bordeaux cao cấp từ nhà kho Berry Bros & Rudd ở Basingstoke. Chúng ăn mừng ngay tại chỗ bằng những chai Moët & Chandon.

Nhìn chung, các vụ trộm rượu có giá trị lớn được chia thành hai nhóm. Thứ nhất, một băng đảng sẽ ăn trộm từ hầm rượu lâu đài hoặc kho rượu hảo hạng, sau đó bán hết số này để thu lợi nhuận.

Nhưng có hai nhược điểm chính của phương pháp này. Vì đây là hàng hóa bị đánh cắp, chúng chỉ có thể bán qua chợ đen và thu về lợi nhuận thấp hơn giá trị thị trường của rượu.

Ngoài ra, khả năng cao chúng sẽ bị bắt nếu bị phát hiện đang chào bán một lượng lớn rượu bị đánh cắp cho các chủ nhà hàng, đại lý rượu vang hay nhà sưu tập tư nhân. Tại Pháp, trong 6 năm qua, cảnh sát đã triệt phá 4 băng nhóm thực hiện 25 vụ cướp quy mô lớn theo cách thức này.

Cách thứ hai là việc ăn cắp nhỏ lẻ, có thể được lên kế hoạch với sự tham gia của một chuyên gia về rượu, như trường hợp của Atrio. Từ thái độ và sự thiếu hiểu biết của cặp đôi Thụy Sĩ về rượu, họ có thể đã hành động dựa trên một kế hoạch do người khác dựng nên. Một người không chỉ am hiểu về rượu vang, mà còn nắm tường tận căn hầm của Atrio.

Sau 9 tháng truy lùng, đến năm 2022 cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ được hai hung thủ, Priscila Lara Guevara, cựu hoa hậu người Mexico, và Constantín Dumitru, mang hai quốc tịch Hà Lan và Romania. Cặp đôi bị bắt ở Croatia.

Theo tài liệu do tòa án vùng Extremadura, Tây Ban Nha, công bố hồi tháng 3/2023, kế hoạch vụ trộm có thể đã được vạch ra nhiều tháng trước đó. Hai thủ phạm được cho là đã đến khách sạn ít nhất 3 lần trước vụ trộm.

Priscila Lara Guevare và Constantín Dumitru lần lượt bị kết án là 4,5 và 4 năm tù về tội cướp tài sản. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn chưa thu hồi được số rượu bị mất.

Theo Giáo Dục Thời Đại

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/cuu-hoa-hau-lanh-an-tu-vi-an-trom-ruou-post673750.html