Sau khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc công khai hơn 12.000 trang sao kê, nhiều người nổi tiếng bị tố khai gian số tiền ủng hộ để ‘làm màu’.
Hình ảnh số tiền chuyển khoản không đúng với sao kê bị cộng đồng mạng bóc mẽ. Ảnh chụp màn hình
Dùng từ thiện để đánh bóng tên tuổi…
Tối 12/9, trên fanpage chính thức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố sao kê tài khoản ngân hàng được sử dụng để người dân cả nước chuyển tiền ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai tại các tỉnh miền Bắc. Danh sách gồm 12.028 trang và sẽ liên tục được cập nhật.
Ban đầu, số lượng trang sao kê quá khủng khiến dân mạng cho rằng: Nếu mất 30 giây để xem 1 trang thì phải tốn gần 4 ngày mới có thể xem được hết 12.000 trang sao kê. Tuy nhiên, chỉ với vài thủ thuật tin học văn phòng cơ bản Ctrl + F, nhiều người có thể tra được dễ dàng.
Từ đây, nhiều “thám tử online” đã phát hiện những pha sao kê “phông bạt” đến từ nhiều cá nhân, trong số đó có cả những nhân vật thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội được nhiều người biết đến.
Đơn cử trường hợp P.V.A. – chủ nhân kênh TikTok có 1,2 triệu lượt theo dõi đã bị cư dân mạng phát hiện ủng hộ 1 triệu đồng, nhưng đăng ảnh chụp màn hình đã chuyển khoản 20 triệu đồng.
Đã có sao kê từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, P.V.A. khó chối cãi và phải lên tiếng xin lỗi. Người này chia sẻ: “Vì sự thiếu suy nghĩ, kém cỏi của bản thân, em đã chỉnh sửa để chia sẻ lên mạng xã hội với số dư sai lệch. Hành động này của em là đáng lên án và sai trái”.
Trường hợp khác, một cựu vận động viên thể thao kiêm TikToker cũng bị gọi tên vì số tiền sao kê chỉ 500.000 đồng, trong khi hóa đơn chuyển khoản của người này có đến 8 con số 0, tương ứng với hàng trăm triệu.
Dù nhân vật này lập tức thanh minh và cho rằng có người trùng tên hoặc cố tình chuyển khoản cùng nội dung để hạ bệ, nhưng cộng đồng mạng đều cho rằng cựu vận động viên này đang bao biện.
Một người nổi tiếng trên TikTok từng gây xôn xao khi loan báo ủng hộ 30 tỷ đồng. Cộng đồng mạng tra cứu, thực chất người này chỉ gửi… 30 nghìn đồng.
T.D.A. – một người khá nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư điện tử – từng đăng hóa đơn chuyển khoản số tiền 100 triệu đồng kèm lời nhắn “Cho đi là còn mãi”. Thế nhưng, anh thực chất chỉ ủng hộ… 10 nghìn đồng, nhưng lại chỉnh sửa lên đến 100 triệu đồng để “sống ảo”.
Bị cộng đồng mạng chỉ trích vì hành động gian dối, người này đã khóa trang cá nhân. Nhiều hội nhóm cũng bị “khui” chuyển khoản vài trăm nghìn nhưng “nổ” lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Những con số “tự khoe” gấp 10 lần, thậm chí gấp 100 lần số tiền trong sao kê hàng loạt người nổi tiếng “muối mặt”, ê chề và nhận nhiều chỉ trích.
Tăng minh bạch trong hoạt động từ thiện
Anh Nguyễn Tiến Hoàng – phụ trách truyền thông Công ty Cổ phần Truyền thông Kinh tế Tiêu dùng bày tỏ, những ngày qua cộng đồng mạng chê trách và lên án rất nhiều người nổi tiếng, KOL… cố tình “phông bạt” khoe khoang số tiền từ thiện lớn, nhưng thực chất chỉ là con số không có thật ở trên trang mạng xã hội Facebook.
“Cách dùng Facebook, cách thể hiện bản thân trên các tài khoản Facebook nói lên rất nhiều điều về chính chúng ta. Từ vụ sao kê vừa qua, khi quét qua Facebook đã lột mặt nạ của rất nhiều kẻ đạo đức giả, làm màu, phông bạt, nhưng cũng cho thấy cả những giá trị thật, những con người đã nói thật và làm thật”, anh Hoàng chia sẻ.
Thực tế, những năm gần đây, hoạt động cứu trợ, chuyện sao kê của những người nổi tiếng đã dấy lên nhiều lùm xùm. Vì thế, việc công khai sao kê lần này của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm trong thời gian qua giúp tăng cường sự tin tưởng của cộng đồng, thu hút thêm nhiều nhà hảo tâm tham gia vào các hoạt động từ thiện, ủng hộ đồng bào khó khăn vì thiên tai.
Luật sư Diệp Năng Bình – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, từ năm 2020 khi bão lũ liên tục xảy ra ở miền Trung, nhiều cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện dẫn đến những tranh cãi về quy trình, thủ tục, thẩm quyền, sự minh bạch trong hoạt động kêu gọi từ thiện. Chính phủ kịp thời sửa đổi bổ sung nghị định này thành Nghị định 93/2021/NĐ-CP để điều chỉnh về hoạt động kêu gọi quyên góp, tiếp nhận từ thiện.
Đây là hành lang pháp lý quan trọng để công tác từ thiện đạt hiệu quả thực chất, tránh tình trạng lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân. Nghị định 93 quy định cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện phải nêu rõ thông tin cá nhân, địa chỉ nơi cư trú, phải thông báo cho chính quyền địa phương về chương trình từ thiện, công khai về mục đích, nội dung, thời gian thực hiện hoạt động kêu gọi tiếp nhận ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn.
Cá nhân phải mở tài khoản riêng để sử dụng cho mỗi đợt từ thiện, công khai minh bạch tài chính và có trách nhiệm giải trình. Khi thực hiện các hoạt động từ thiện, phải thông báo với chính quyền địa phương nơi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra để phối hợp cùng tổ chức thực hiện…
Trường hợp tổ chức cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp tiền, tài sản để ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai không tuân thủ các quy định của Nghị định số 93, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh những trường hợp nhập nhằng sao kê, lợi dụng số tiền ủng hộ không có thực để đánh bóng tên tuổi, rất nhiều nghệ sĩ chung tay ủng hộ người dân vùng lũ tái thiết cuộc sống. Nhiều người nổi tiếng như Hoa hậu Đỗ Thị Hà, NSƯT Kiều Anh, vũ công Diệp Lâm Anh, diễn viên Anh Vũ và cặp vợ chồng Shark Bình, Phương Oanh…
Theo Giáo Dục Thời Đại
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/phong-bat-tu-thien-tren-mang-xa-hoi-khi-nao-co-the-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-post701287.html