Bất ngờ về các giáo sư, tiến sĩ được trường Apollos (Hoa Kỳ) sắc phong ở Ấn Độ, do GTTCI hoạt động “chui” tại Việt Nam tổ chức, có người làm ô mai, Tiktoker, chủ quán bar ‘xây chui’ trên đồi Pháo Thủ …

Sắc phong giáo sư, tiến sĩ như “lò ấp trứng”

Sau khi bài báo “Mập mờ trao chứng nhận giáo sư, tiến sĩ của “đại học ma” bên nước ngoài” được Giáo dục Thủ đô đăng tải. Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của công chúng, thông tin về việc tổ chức trao bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự do Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTCI), hoạt động “chui” tại Việt Nam tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng nhận sắc phong tiến sĩ danh dự của trường đại học Apollos. Công ty này từng mang tiếng là “xây chui” quán bar trên đồi Pháo Thủ tại tỉnh Bắc Ninh
Trong số nhiều thông tin bạn đọc cung cấp, đáng chú ý danh sách 52 người được trao bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự. Ngoài ông Hoàng Mai Chung như bài báo đã nêu, chúng tôi còn ghi nhận có người là Tiktoker – Bác sĩ tự phong, có người là Chủ tịch công ty có quán bar ‘xây chui’ trên đồi Pháo Thủ, có người đang kinh doanh ô mai, có người là Chủ tịch trường Đại học danh tiếng…

Tiktoker – Bác sĩ tự phong Nguyễn Duy Cương được Trường Đại học Apollos (Hoa Kỳ) sắc phong. Tự xưng là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, chuyên gia. Tuy nhiên trong giới thiệu, thông tin của ông Cương chỉ cho biết là từng tốt nghiệp y khoa chuyên ngành nội khoa. Nhưng không thông tin cụ thể là tốt nghiệp y khoa của trường đại học nào ở Việt Nam hay trên thế giới, và đã được công nhận bác sĩ tại Việt Nam hay chưa. Trên mạng xã hội, Tiktoker – bác sĩ tự phong Nguyễn Duy Cương còn là người nghĩ ra phương pháp lọc máu làm trẻ hóa con người chỉ với hơn 450.000.000VNĐ tại Ba Lan, 250.000.000 VNĐ tại Việt Nam. Nhất là ở mảng nuôi dạy con, Dr Cương không ngừng đưa ra những “kiến thức dọa dẫm” khiến không ít cha mẹ lo lắng

Bác sĩ tự phong Duy Cương chụp ảnh cùng với những người liên quan trong sự kiện diễn ra tại Ấn Độ vào tháng 12/2023

Được biết, tháng 12/2023 tại Diễn đàn Khoa học và Kinh tế toàn cầu 2023 do Hội đồng Thương mại và Công nghệ Toàn cầu của Ấn Độ (GTTCI) tổ chức từ ngày 20 – 24/12 tại Thủ đô New Delhi, Trường Đại học Apollos (Hoa Kỳ) đã công nhận và phong tặng 3 chức danh “Giáo sư danh dự” và 26 chức danh “Tiến sĩ danh dự” cho các cá nhân tiêu biểu và xuất sắc đến từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Doanh nhân Hoàng Mai Chung nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Apollos, đại học này không thấy thông tin tại chuyên trang tra cứu thông tin các trường đại học, hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ
Tiến hành liên hệ với đơn vị tổ chức sự kiện, chúng tôi không nhận được thông tin hợp tác. Đi sâu vào tìm hiểu các cá nhân, được đại học Apollos (Hoa Kỳ) sắc phong danh hiệu giáo sư, tiến sĩ danh dự vào tháng 12/2023, để nhận được những danh hiệu nêu trên, các cá nhân này đều phải chi trả một khoản tiền dưới hình thức tài trợ cho “Diễn đàn khoa học và kinh tế toàn cầu” – nếu muốn được nhận các bằng cấp học vị “danh dự”nói trên. Mức phí đóng góp được ban tổ chức đưa ra rất đa dạng và lên tới gần 400 triệu/một trường hợp, …

Ông Nguyễn Hồng Lam người kinh doanh Ô mai tại Việt Nam được Đại học Apollos (Hoa Kỳ) sắc phong Tiến sĩ danh dự
Cụ thể, mức tham gia 1 có giá 13.600 USD (tương đương 340 triệu đồng); mức tham gia 2 có giá 8.900 USD (tương đương 222,5 triệu đồng); mức tham gia 3 có giá 3.500.USD (tương đương 87,5 triệu đồng); mức tham gia dành cho khách đi kèm có giá 2.200 USD (tương đương 55 triệu đồng) và gói dịch vụ hợp pháp hoá lãnh sự cho bằng cấp có giá 500 USD (tương đương 12,5 triệu đồng).

Ông Lê Văn Dư – Tổng Giám đốc, đốc Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư nhận sắc phong Tiến sĩ danh dự ngành chăn nuôi của trường Đại học Apollos Hoa Kỳ, mặc dù theo giới thiệu của trường đại học này không có chuyên ngành đào tạo về chăn nuôi
“Lò” sản xuất văn bằng ?

Các đại học thường ghi nhận danh hiệu giáo sư, tiến sĩ danh dự đối với cá nhân xuất sắc và tuân thủ pháp luật, có những đóng góp lớn cho sự phát triển của xã hội và con người… còn đối với những giáo sư, tiến sĩ phải có những công trình khoa học được công bố và đáp ứng những điều kiện, tiêu chí khắt khe học thuật.

Bà Đào Thanh Hoàn, Nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Tâm lý – Giáo dục Ngọc Ân được Hội đồng giáo sư và Hội đồng khoa học Trường Đại học Apollos công nhận và phong tặng danh hiệu Tiến sỹ danh dự ngành Giáo dục đặc biệt.
Còn nhớ đại học Apollos ở California (Mỹ) từng xuất hiện trong danh sách 21 trường đại học Mỹ có mặt tại Việt Nam, được ví như “lò sản xuất bằng cho người Việt thích sính ngoại” nhưng không được cơ quan có thẩm quyền công nhận ngay cả tại Hoa Kỳ.

Hồi cuối tháng 1/2018, hàng loạt tờ báo mạng tại Việt Nam cùng đồng loạt đưa tin: Trường Đại học Florida, Mỹ (tên đầy đủ là Florida University of advanced Knowledge – AKFU) phối hợp với Viện Quản lý tri thức về Công nghệ, tổ chức lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho ông Đoàn Văn Khanh, một nông dân ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Nhưng tìm hiểu thì mới phát hiện, trường đại học này lại không được công nhận tại cả Hoa Kỳ và Việt Nam.

Loạt giáo sư, tiến sĩ danh dự nhận sắc phong do “lò ấp bằng” công nhận

Lần này cũng vậy, chỉ cần gõ vào công cụ tìm kiếm từ khóa đại học Apollos, chúng ta đã thấy xuất hiện loạt thông tin được đăng tải truyền thông về việc trường đại học Apollos (Mỹ) sắc phong cho loạt giáo sư, tiến sĩ danh dự cho những cá nhân xuất sắc tại Việt Nam.

Theo chuyên gia giáo dục, thủ tục thành lập các trường kiểu này ở Hoa Kỳ giống như chuyện… lập công ty. Phần lớn các trường này đều là “trường đại học trực tuyến” (online university) và một số trường được xem là “lò sản xuất văn bằng” (diploma mill). Tín chỉ, bằng tốt nghiệp tại những trường này không có giá trị pháp lý.

Doanh nhân Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Hồng Cơ Group, nhận sắc phong Giáo sư Kinh tế danh dự của Đại học Apollos (Hoa Kỳ), tháng 12/2023 tại Diễn đàn Khoa học và Kinh tế toàn cầu 2023 do Hội đồng Thương mại và Công nghệ Toàn cầu của Ấn Độ (GTTCI) hoạt động “chui” tại Việt Nam tổ chức
Thông tin từ Trung Tâm Công Nhận Văn Bằng, Cục Quản lý Chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài, được nước ngoài công nhận, không có nghĩa là văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục đại học đó, được công nhận tại Việt Nam.

Văn bằng chứng chỉ của cơ sở giáo dục nước ngoài được công nhận tại Việt Nam phải tuân thủ theo điều kiện tại Điều 4, thông tư 13/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Võ sư Nguyễn Thanh Huy nhận sắc phong Tiến sĩ danh dự trong lĩnh vực thể thao của Đại học Apollos (Hoa Kỳ), mặc dù trường này không có chuyên ngành đào tạo về thể thao
Quay trở lại vấn đề trao chứng nhận giáo sư, tiến sĩ của “đại học ma” bên nước ngoài do GTTCI tổ chức hồi tháng 12/2023. Chúng tôi đã tiến hành tra cứu thông tin về các trường đại học mà phía GTTCI quảng cáo, là liên kết để trao chứng nhận gồm: Apollos, MarryLand, Orange County University… thông qua www.usnews.com (chuyên tra cứu thông tin các trường đại học, hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ) thì chưa thấy xuất hiện thông tin, dữ liệu liên quan đến những trường mà GTTCI đã quảng bá.

Chuyên gia thẩm mỹ, Á hậu doanh nhân châu Á – Trần Thị Thanh Hải được Hội đồng giáo sư và Hội đồng khoa học Trường Đại học Apollos công nhận và phong tặng danh hiệu Tiến sỹ danh dự triết học ngành Văn hoá – Làm đẹp và chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi trên trang chủ của trường này không thấy chuyên ngành đào tạo thẩm mỹ, sắc đẹp hoặc y khoa
Điều này phải chăng là đại học Apollos Hoa Kỳ chưa được công nhận tại Hoa Kỳ, và các văn bằng chứng chỉ của trường đại học này cấp cũng không có giá trị pháp lý tại Hòa Kỳ ?

Đối chiếu vào các quy định ở Việt Nam tại Điều 4, thông tư 13/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Liệu rằng các văn bằng chứng chỉ do đại học Apollos Hoa Kỳ “ấp nở” cho nhiều cá nhân ở Việt Nam thời gian qua có vô giá trị ? có lẽ các văn bằng này đang thỏa mãn yếu tố thích “sính ngoại” ham hư danh của một số cá nhân?

Khi tìm hiểu về trường đại học Apollos, tại địa chỉ https://apollos.edu/, chúng tôi thấy khá bất ngờ về các chương trình đào tạo online của trường, tức là học viên được đào tạo từ xa.

Trường đại học này cũng tìm được các đối tác tại Việt Nam, bị hấp dẫn bởi triển vọng lợi nhuận, bởi cái lợi vô hình ham hư danh của nhiều cá nhân có sở thích được sắc phong giáo sư, tiến sĩ gắn mác “ngoại”. Minh chứng là loạt giáo sư, tiến sĩ được trường cho “nở” suốt thời gian dài vừa qua.

Không ít chuyên gia giáo dục từng nghi vấn: “Liệu rằng việc một số trường đại học của Hoa Kỳ, dù có được thẩm định chất lượng hay không đã dùng những kiểu “bịp bợm” kết hợp với hình thức quảng cáo hào nhoáng để bán được sản phẩm, và mục tiêu chính dường như nhằm vào lợi nhuận hơn là chất lượng.

Hiểu theo cách khác, những trường đại học này đang dùng “mồi nhử” của mình để nhắm vào những khách hàng kém hiểu biết, ham hư danh, những người mong muốn có được học vị giáo sư, tiến sĩ… có giá trị và uy tín của Mỹ với một cái giá phải chăng.

Đáng tiếc là một số trường đại học Mỹ không được cấp phép và một số trường còn nhiều nghi vấn đã đổ xô vào các quốc gia như Việt Nam, do sức hút của một thị trường đầy tiềm năng và hứa hẹn đang mang lại lợi nhuận nhanh chóng và dễ dàng.

Việc GTTCI hoạt động “chui” tại Việt Nam và phối hợp với một số trường đại học nước ngoại “đổ bộ” vào Việt Nam có thể dẫn tới việc người Việt “vọng ngoại” sẽ “gặt” được những tấm bằng quốc tế “dỏm” không có giá trị.

Việc các trường đại học của Hoa Kỳ không được chính quyền công nhận, nhưng lại hoạt động mạnh ở Việt Nam sẽ gây hại và làm ảnh hưởng đến uy tín của các đại học và nhà khoa học chân chính.

“Theo tài liệu của chúng tôi, trong thời gian dài, trường đại học Apollos (Hoa Kỳ) đã “ấp và cho nở” rất nhiều văn bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự, giáo sư, tiến sĩ… cho rất nhiều cá nhân ở Việt Nam. Trong số đó không ít người hiện đang là Chủ tịch trường Đại học danh tiếng, hoặc nhà khoa học đã được công nhận học vị tại Việt Nam…”.

Theo Giáo Dục Thời Đại

Link gốc: https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/nhieu-bat-ngo-ve-cac-giao-su-tien-si-duoc-dai-hoc-nuoc-ngoai-sac-phong-137945.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR3XhVNcgvfrT-B9DPiU5OtVlFbzHR_i51Vbrlm-TTD8WcZgGWOhDCZwej4_aem_AaL5fD2RGPAtgAF6FpLLdk6Ch6k5vaRvmJromKyEZKFU6FBm_x34gcnBucraeTwD33UgGoZzAcyKy38sOPq67frU