Mặc dù không còn giữ được đam mê và nhiệt huyết trong chính công việc đang làm, song nhiều người lao động vẫn do dự, không muốn nghỉ việc dịp gần Tết Nguyên đán.

Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Ngại thay đổi, tiếc khoản thưởng cuối năm, lo lắng không tìm được công việc mới là một số lý do khiến người lao động lưỡng lự. Quyết định thay đổi công việc ngay trước Tết là cơ hội hay thách thức còn tùy thuộc vào nhìn nhận của mỗi người.

Điều gì “giữ chân” người lao động?
Câu chuyện “nhảy việc”, nghỉ việc chưa bao giờ hết “nóng”, đặc biệt vào thời điểm sát Tết Nguyên đán. Mặc dù không phải vấn đề mới nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Mặc dù đã có cho mình định hướng mới, song chị Ngô Thùy Linh (32 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tạm hoãn kế hoạch chuyển việc. Chia sẻ của Thùy Linh cho thấy chị đang rất áp lực vì phải trả tiền vay mua nhà cho ngân hàng hàng tháng. Vì vậy, cũng như nhiều người lao động khác, chị trông chờ khoản tiền thưởng Tết xứng đáng với công sức mà mình đã làm việc chăm chỉ cả năm.

“Hiện nay, tôi đang là trưởng nhóm kinh doanh tại một công ty cung cấp khóa học ngoại ngữ. Mặc dù lương tháng không phải quá cao song năm nào công ty cũng thưởng Tết khá “hậu hĩnh”. Nếu thuận lợi đạt doanh thu, khoản thưởng có thể lên tới 3 tháng lương. Có những giai đoạn gặp khó khăn, kinh tế ảm đạm song công ty chưa từng cắt lương tháng 13 và thưởng Tết của nhân sự”, chị Thùy Linh tâm sự. Về kế hoạch tiếp theo, chị Thùy Linh cũng thẳng thắn cho biết sẽ xin nghỉ sau dịp Tết Nguyên đán để ứng tuyển công việc khác với mức lương cao hơn.

Chung quan điểm với chị Thùy Linh, anh Ngô Phúc Hải (32 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng cho rằng, đây không phải thời điểm “vàng” để chuyển việc. Anh Hải chia sẻ: “Tôi làm trong lĩnh vực truyền thông – sự kiện, cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của ngành này. Các đơn vị, doanh nghiệp, thậm chí cả các trường học đều có nhu cầu tổ chức sự kiện. Doanh thu một tháng cuối năm bằng cả vài tháng mùa thấp điểm, tôi chẳng dại gì mà chuyển việc thời điểm nhạy cảm này”.

Bà Đỗ Thị Bích Phượng – Trưởng phòng Nhân sự thuộc một công ty công nghệ tại địa bàn quận Nam Từ Liêm cho biết, theo thống kê của phòng, khoảng thời gian từ tháng 10 âm lịch cho đến hết Tết Nguyên đán mỗi năm, số lượng nhân sự nộp đơn xin thôi việc đều rất ít. Bà Phượng phân tích, giai đoạn này còn nhiều lợi ích gắn với người lao động.

“Các khoản phúc lợi như lương tháng thứ 13, thưởng Tết, hoa hồng từ các dự án thường được dồn vào thời điểm cuối năm mới chi trả, quyết toán nên người lao động thường có tâm lý “cố nốt” để nhận thưởng. Bên cạnh đó, đây cũng không phải mùa tuyển dụng lý tưởng. Ngược lại, theo thống kê của chúng tôi 5 năm trở lại đây, sau quý I khi đã được nhận lương thưởng, số lượng lao động nghỉ việc thường cao nhất trong năm. Việc “cố làm hết năm để nhận thưởng Tết rồi nghỉ việc” ngày càng trở nên phổ biến. Điều này dẫn đến sự biến động nhân sự mỗi dịp đầu năm của nhiều doanh nghiệp”, bà Phượng phân tích.

Trong thách thức mở ra cơ hội
Mặc dù trước Tết Nguyên đán không phải thời điểm lý tưởng để chuyển việc, song hiện nay khi lực lượng lao động dần chiếm phần đa là thế hệ trẻ thì câu chuyện nghỉ việc lại được quyết định bởi nhiều lý do hơn. Bởi với họ, song hành với thách thức còn có cả những cơ hội.

Chia sẻ về trải nghiệm nghỉ việc khi chỉ còn 2 tháng nữa là Tết, anh Nguyễn Đình Trung (30 tuổi, quận Hoàng Mai) cho biết: “Cách đây 2 năm, do không còn tìm được tiếng nói chung trong công việc với đội nhóm, tôi quyết định “dứt áo ra đi” với công ty đã gắn bó gần 4 năm. Cứ nghĩ tìm việc dịp này sẽ khó khăn, thế nhưng điều bất ngờ là Đình Trung nhanh chóng tìm được công việc mới, thậm chí còn không phải phỏng vấn vòng 2 vì chẳng có ứng viên nào ứng tuyển cùng đợt với anh.

“Gần Tết, quỹ thưởng của công ty đã được chia sẵn theo danh sách. Khi đồng nghiệp háo hức nhận thưởng, tôi không có tháng lương thứ 13, cũng không có khoản thưởng gì vì là nhân viên mới, chỉ có 200.000 đồng tiền “an ủi”. Tuy cũng hơi chạnh lòng nhưng tôi không tiếc nuối gì, vẫn cảm thấy vui vẻ hạnh phúc vì tìm được công việc, môi trường phù hợp với bản thân. Hiện tại, tôi đã gắn bó với công ty được gần 2 năm, đã có “thâm niên” nên tôi khá háo hức để nhận khoản thưởng vào cuối năm nay”, anh Đình Trung cho hay.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh từng làm việc tại một trung tâm Anh ngữ có tiếng tại Hà Nội với mức lương khá ổn định, khoảng 15 triệu đồng/tháng. Song, vào năm 2022, tình hình công ty có nhiều biến cố, vấn đề tài chính trục trặc dẫn đến việc chậm trả lương diễn ra liên tục. Khi chị Quỳnh có thắc mắc về vấn đề nhận lương không đúng kỳ hạn, thường thì cả cấp trên và kế toán đều ậm ừ, chỉ giải thích chung chung và hứa hẹn công ty sẽ cố gắng trả lương, thưởng sớm nhất có thể.

“Nhận thấy tình hình không ổn, tôi quyết định nghỉ việc, đồng nghĩa từ bỏ 3 tháng lương mà trung tâm còn nợ và khoản thưởng Tết được hứa hẹn là 2 tháng lương. Bố mẹ, họ hàng khi biết chuyện đều khuyên tôi nên “cố nốt ra Tết rồi nghỉ việc”, song tôi không nghe theo mặc dù bản thân cũng rất cần số tiền đó. May mắn, sát Tết nhưng tôi vẫn nhanh chóng tìm được công việc mới phù hợp với chuyên môn của bản thân và mức lương cao hơn công việc cũ. Tôi cho rằng, trong cuộc sống, có những thời điểm mình cần phải quyết đoán, sẵn sàng thay đổi và nắm bắt cơ hội”, chị Quỳnh chia sẻ.

Theo Giáo Dục Thời Đại

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/nhay-viec-dip-cuoi-nam-co-hoi-hay-thach-thuc-post710188.html