Không hiếm để bắt gặp những phiên livestream thu hút số lượng “khổng lồ” người xem và đem lại lợi nhuận “khủng” cho người kinh doanh qua mạng.
Livestream bán hàng trở thành phương thức kinh doanh mới thu được nhiều lợi nhuận nên thu hút nhiều người tham gia.
Bội thu “tiền tỷ”
Thời buổi mạng xã hội bùng nổ, livestream bán hàng trở thành phương thức kinh doanh mới thu hút nhiều người tham gia, bao gồm cả các nghệ sĩ nổi tiếng. Trên thực tế, nghề livestream đã phát triển mạnh ở các nền kinh tế lớn ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… Xu hướng mua sắm trực tuyến đang dần chiếm được cảm tình của đa số người tiêu dùng vì đáp ứng được nhu cầu tiện lợi và nhanh chóng.
Từ năm 2022, TikTok Shop ra đời. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt của TikTok khi lấn sân sang mảng thương mại điện tử. Cụ thể, TikTok tung ra tính năng livestream cho phép người dùng có thể vừa phát sóng trực tiếp để tương tác với người xem giống như các nền tảng livestream khác, vừa có thể bán các sản phẩm thông qua giỏ hàng trên chính livestream của mình. Sáng tạo này đã giúp TikTok trở thành một “tay chơi” đáng gờm so với các sàn thương mại điện tử khác.
Khi lướt các nền tảng mạng xã hội, người dùng có thể dễ dàng bắt gặp những phiên phát sóng trực tiếp của các cá nhân, nhãn hàng thu hút nhiều lượt tương tác nhờ tung ra các mã ưu đãi “khủng”, nhiều đợt giảm giá sâu, với nhiều mặt hàng “hot”.
Điển hình, gần đây các trang mạng xã hội liên tục gây “sốt” với những phiên livestream chốt đơn với doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều tên tuổi đang lên như “diều gặp gió” trong làng livestream bán hàng trực tuyến có thể kể đến như Phạm Thoại, Võ Hà Linh, kênh TikTok Gia đình Bánh Bao…
Trong một phiên livestream của Phạm Thoại ngày 12/12/2023, số lượng mua hàng lên đến hàng nghìn đơn và thu về doanh số hang chục tỷ đồng. Đáng nói, các phiên livestream của Phạm Thoại luôn được anh và đội ngũ hậu cần đầu tư bối cảnh và trang phục khá chỉn chu. Nhằm tăng thêm tương tác, các buổi phát sóng trực tiếp thường có sự góp mặt của những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng với công chúng.Lợi nhuận “khủng” từ công việc này thậm chí còn thu hút được nhiều người nổi tiếng tham gia. Bên cạnh công việc nghệ thuật, không ít ca sĩ, diễn viên bắt đầu lấn sân xem việc bán sản phẩm trực tuyến thành nghề tay trái của mình.
Lê Dương Bảo Lâm là nghệ sĩ được nhiều nhãn hàng quan tâm và mời livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Trong buổi trò chuyện Chuyện ngại nói với Xuân Lan, Lê Dương Bảo Lâm tiết lộ, trước khi có tiếng tăm trong làng giải trí, công việc livestream bán hàng đã giúp cuộc sống gia đình anh “phất lên”. Nam diễn viên bày tỏ niềm tự vào khi có thể dùng thu nhập này xây nhà, tậu xe, chăm lo cho gia đình riêng, bố mẹ đôi bên, thậm chí nuôi các em học đại học.
Ảnh minh họa ITN.
Nguy cơ “treo đầu dê, bán thịt chó”
Tuy nhiên, mặt trái của ngành livestream bán hàng ở nước ta là chất lượng hàng hóa rất khó để kiểm định. Khi xem và mua hàng qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng hầu như phải tự chịu trách nhiệm và dựa vào sự sáng suốt của bản thân. Chính vì vậy, không ít trường hợp người dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, rơi vào tình trạng “bỏ đi thì tiếc, uống vào thì say”…
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), vào chiều 25/12/2023, Cục QLTT thành phố Hà Nội hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia bất ngờ kiểm tra kho hàng nằm trong khu đô thị Đô Nghĩa thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Lực lượng chức năng xác định, đây là kho hàng của một tài khoản mạng xã hội có nhiều lượt theo dõi, thường xuyên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, với tên gọi “Mailystyle.com”.
Lực lượng QLTT cho biết, hàng hóa tại đây đa phần là sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada… Phần lớn sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bước đầu lực lượng QLTT xác định trong phiên livestream ngày 23/12/ 2023, tài khoản Mailystyle.com đã thực hiện phiên live kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm. Tham dự cùng phiên livestream trên tài khoản Mailystyle.com còn có sự xuất hiện của một số TikToker khá nổi tiếng khác.
Theo Nghị định 85/2021/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Cụ thể là ngăn chặn và loại bỏ website có những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật…
Nếu sàn giao dịch thương mại điện tử vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 10 – 40 triệu đồng. Với người bán hàng vi phạm, tùy tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP với số tiền từ 10 – 20 triệu đồng/hành vi.
Trong trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015.
Mặc dù chế tài đã có, song việc xử lý đối với những cá nhân livestream bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội không đơn giản do hàng hóa kinh doanh trực tuyến chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo, giày dép, thực phẩm, đồ gia dụng… Ngoài ra, nơi chứa hàng hóa thường là nhà ở của người bán nên các lực lượng chức năng cũng gặp nhiều trở ngại trong khâu quản lý, kiểm tra.
Theo Giáo Dục Thời Đại
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/hot-bac-nho-livestream-ban-hang-truc-tuyen-post674997.html