Trong quá trình thu thập tư liệu, phóng viên Báo GD&TĐ luôn nhận được sự đề phòng, dè chừng từ các nhà đầu tư góp vốn vào Công ty Chợ Toàn Cầu.

Một buổi hội thảo, thuyết trình với khách hàng của Công ty CP Tập đoàn Chợ Toàn Cầu. Ảnh: website chotoancau.vn

Tin vào những lời quảng bá “có cánh” – những dự án quy mô với cơ hội đầu tư thu lời cao, mức chi trả lợi nhuận hấp dẫn – nhiều người từ bỏ công việc ổn định, thậm chí còn mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng với ước mơ có cơ hội làm giàu, thay đổi cuộc sống. Nào ngờ, đổi lại, thứ họ nhận được là sự thất vọng và mất niềm tin, khó khăn và bế tắc.

Vay tiền góp vốn
Trong quá trình thu thập tư liệu, phóng viên Báo GD&TĐ luôn nhận được sự đề phòng, dè chừng từ các nhà đầu tư góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Chợ Toàn Cầu (sau đây gọi là Công ty Chợ Toàn Cầu).

Họ nghi ngờ phóng viên Báo GD&TĐ là “quân xanh, quân đỏ, thám tử” của doanh nghiệp. Tìm hiểu mới biết, nhà đầu tư mất niềm tin vào những hợp đồng làm ăn tưởng chừng như béo bở này. Họ không biết kêu ai để đòi lại tiền, không biết gửi đơn đến đâu để cầu cứu.

Chị V. B. T. – giáo viên công tác tại một trường công lập trên địa bàn TP Hải Phòng – cũng “dính” vào Công ty Chợ Toàn Cầu. Khi được người nhà giới thiệu, chị T. đã có ý định chuyển sang công việc mới bởi những thông tin giới thiệu có nhiều cái hay ho. Thứ nữa, lần thay đổi công việc này chị hy vọng thoát khỏi khó khăn về kinh tế. Chị T càng tin tưởng hơn khi bà Lê Thị Hiền – Chủ tịch HĐQT công ty là cháu, anh em gần với bố chị.

“Làm việc được nửa tháng thì mọi cái nó vỡ lở, nhưng em vẫn trụ lại được khoảng 5 tháng. Tiền lương nhận được là nửa tháng đầu. Họ hứa hẹn lương trong hợp đồng ký kết là 12 triệu đồng. Công ty chỉ đóng bảo hiểm được cho 2 tháng”, chị T kể về quá trình tiếp nhận công việc mới.

Đâm lao thì phải theo lao, chị T quyết định đầu tư 200 triệu đồng (tiền vay của mẹ đẻ với hy vọng không tuột mất cơ hội mới) vào Công ty Chợ Toàn Cầu. Vốn là người từng làm việc tại Công ty Chợ Toàn Cầu trong khoảng thời gian ấy, chị T hiểu và nắm bắt được hết ngọn ngành, cách thức hoạt động của doanh nghiệp.

Kể từ ngày nghỉ việc tại Công ty Chợ Toàn Cầu, cơ hội để quay về nghề giáo ở trường công không còn nữa, chị T chật vật làm đủ nghề để kiếm sống nuôi gia đình, cuối cùng chị đã tìm được cho mình một công việc mới tại một trường tư thục.

Trong câu chuyện với chúng tôi, mỗi khi có ai nhắc đến chuyện cũ, những hình ảnh, dữ liệu về cơ hội làm giàu, hợp tác đầu tư tại Công ty Chợ Toàn Cầu cứ ám ảnh, bám riết lấy chị T. “Đó là một sự tồi tệ. Dự án công ty nó cứ ảo ảo thế nào ý. Lúc đầu thì tin tưởng tuyệt đối, nhưng bây giờ hụt hẫng, thất vọng vô cùng. Thi thoảng mình có gọi điện cho cô Hiền để đòi tiền, nhưng không nhận được hồi âm”, chị T cho hay.

Trụ sở văn phòng đại diện của Công ty CP Tập đoàn Chợ Toàn Cầu tại địa chỉ số 7C, đường Hải Triều, phường Quán Toan, TP Hải Phòng nhiều tháng nay cửa đóng then cài, không hoạt động.

Nhà đầu tư ngậm quả đắng

Chị Hường đang có công việc ổn định là mở dịch vụ nha khoa tại Hải Phòng. Qua nhiều lần được giới thiệu, tiếp xúc với nhà đầu tư Công ty Chợ Toàn Cầu – khi nghe họ “vẽ” chuỗi cửa hàng tiêu thụ, bán sản phẩm OCCOP – chị đồng ý góp vốn vào công ty này.

“Mình mong muốn là đưa các sản phẩm OCCOP phân phối vào chuỗi hệ thống cửa hàng tại các dự án chợ của công ty này. Thế nhưng, những dự án này làm màu, ảo lắm”, chị Hường chia sẻ.

Lúc đầu với ý định không bỏ tiền để đầu tư, nhưng sau đó, chị Hường đành phải móc hầu bao đóng vào 260 triệu đồng.

Oái oăm hơn, chị M (bạn của chị Hường) thời điểm này đang bị vỡ nợ khoảng 9 tỷ đồng do làm ăn. “Lúc giới thiệu, bạn mình tham gia vào công ty này 200 triệu đồng. Giai đoạn này công ty đưa ra chương trình là tặng 1 chỉ vàng. Vàng không thấy đâu, tôi đành phải bỏ tiền túi ra để ‘đền’ cho bạn số tiền hơn 5 triệu đồng (bằng 1 chỉ vàng)”, chị Hường ngao ngán cho biết.

Được giới thiệu với mức lợi nhuận hấp dẫn, bản thân anh N.V.T (Hải Phòng) không cưỡng lại được. Sau nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu về Công ty Chợ Toàn Cầu, anh T quyết định tham gia góp vốn.

Tiền không có, anh T mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Vài tháng đầu, lợi nhuận như cam kết trong hợp đồng chuyển về tài khoản anh đều đặn. Thế nhưng, cũng như nhiều trường hợp nhà đầu tư khác, hơn 2 năm nay anh T không nhận được một đồng nào từ công ty. Thay vì đó, hằng ngày anh phải còng lưng đi làm để có tiền đóng lãi.

“Nếu không có tiền để trả ngân hàng, sắp tới gia đình tôi bị siết nợ, thu hồi tài sản là ngôi nhà đang thế chấp. Đến lúc đó chỉ có nước ra đường mà ở”, anh T mắt đượm buồn nói.

Lần theo thông tin có được, chúng tôi tìm đến địa chỉ số 7C, đường Hải Triều, phường Quán Toan, Hải Phòng. Địa chỉ này được giới thiệu là văn phòng đại diện của Công ty Chợ Toàn Cầu tại Hải Phòng.

Tại địa chỉ này có một cửa hàng nhỏ đang trưng bày một ít sản phẩm như: Nước lọc, bánh kẹo…. Bên ngoài cửa hàng có trưng biển hiệu hiển thị nội dung: “Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Chợ Toàn Cầu, Văn phòng đại diện TP Hải Phòng”. Một số người dân xung quanh cho biết, từ lâu cửa hàng không có người qua lại, cửa khóa then cài.

Liên hệ với anh Phạm Văn M (anh M được giới thiệu là Giám đốc Văn phòng đại diện của Công ty CP Tập đoàn Chợ Toàn Cầu). Anh M cho biết, bản thân đã đầu tư hợp tác kinh doanh vào công ty này hơn 4 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, anh M cũng được phía công ty chi trả lợi nhuận 3 tháng đầu rồi sau đó bặt vô âm tín.

Thông tin về cửa hàng trưng bày sản phẩm tại địa chỉ số 7C, đường Hải Triều, anh M cho hay: Cửa hàng này đã dừng hoạt động khoảng 2 năm nay. Những sản phẩm tại cửa hàng do công ty trưng bày đến nay đã hết hạn sử dụng.

“Mấy năm nay tôi không để ý đến việc đòi lại số tiền hơn 4 tỷ đồng đã góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Chợ Toàn Cầu, chú tâm làm công việc khác. Chúng tôi cũng đã từng làm đơn gửi đến cơ quan công an, nhưng hiện chưa có kết quả, chưa lấy lại được tiền”, anh M nói.

Theo Giáo Dục Thời Đại

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/bai-2-nem-tien-vao-giac-mo-giau-nhanh-post700329.html