Nhiều nhà đầu tư có nguy cơ khó thu hồi hoặc mất trắng tiền khi tham gia góp vốn hợp tác đầu tư vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Chợ Toàn Cầu.

Chị Nghiêm Thị T. H. trao đổi, phản ánh thông tin với phóng viên.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Chợ Toàn Cầu (Công ty Chợ Toàn Cầu) do bà Lê Thị Hiền giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Giấu chồng, con đem tiền đi đầu tư
Báo GD&TĐ tiếp nhận phản ánh của nhiều nhà đầu tư (vì lý do cá nhân, hoàn cảnh gia đình xin được giấu tên) khi tham gia góp vốn hợp tác đầu tư vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Chợ Toàn Cầu (sau đây gọi là Công ty Chợ Toàn Cầu) (ngách 197/318/3/14 phố Thạch Bàn, phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội – Địa chỉ cũ: Số 15 đường Cổ Linh, phường Long Biên, Long Biên, Hà Nội). Công ty Chợ Toàn Cầu do bà Lê Thị Hiền giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Chị Nghiêm Thị T. H. ở phường Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những nhà đầu tư góp vốn với số tiền tương đối lớn vào Công ty Chợ Toàn Cầu. Chị H. cho biết, qua một số người quen giới thiệu, rủ rê với mức lợi nhuận khá cao cho khoản hợp tác đầu tư vào Công ty Chợ Toàn Cầu, chị đã không ngần ngại giấu chồng, con mang 7 tỷ đồng tham gia góp vốn. Khoảng đầu tháng 8/2022, chị H. bắt đầu tiến hành ký hợp đồng với Công ty Chợ Toàn Cầu và thực hiện nghĩa vụ nộp tiền vào công ty.

Những điều khoản trong hợp đồng được Công ty Chợ Toàn Cầu ký với khách hàng thể hiện: Tỷ lệ lợi nhuận/năm là 30%, tỷ lệ lợi nhuận trên tháng là 2,5%. Ngoài ra, công ty này còn có chính sách ưu đãi mua hàng tại OCOPSHOP là giảm 10% (OCOPSHOP là cửa hàng bán sản phẩm của Công ty Chợ Toàn Cầu), chính sách ưu đãi mua bất động sản khi khách hàng có nhu cầu chuyển đổi hình thức quầy là 5% và ki ốt là 10%.

Theo lời chị H. với những thông tin đưa ra mức lợi nhuận phía Công ty Chợ Toàn Cầu như vậy khiến chị dồn tiền đầu tư hợp tác vào công ty này. Ba tháng đầu, chị H. nhận được tiền lợi nhuận đúng như các điều khoản, chính sách được cam kết trong hợp đồng từ công ty này. Chị H. mừng thầm, nghĩ rằng may mắn, cơ hội đã đến sau dịch bệnh Covid-19 đầy khó khăn và thách thức.

Thế nhưng, đến tháng thứ 4, Công ty Chợ Toàn Cầu ngừng trả lợi nhuận cho khách hàng.

“Họ trả cho tôi được 3 tháng lợi nhuận như cam kết, đến tháng thứ 4 thì không thấy trả nữa, công ty xin ‘khất’ bằng miệng chứ không hề có văn bản giấy tờ nào. Từ đó đến nay đã hết hạn hợp đồng (thời gian 24 tháng kể từ ngày ký) buộc Công ty Chợ Toàn Cầu phải thanh lý hợp đồng, gửi lại số tiền gốc và lợi nhuận như cam kết, nhưng tôi không nhận được bất kỳ một khoản tiền nào”, chị H. nói.

Chị H. thông tin, đã cùng nhiều người nữa có đơn tố cáo bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Chợ Toàn Cầu đến Công an quận Long Biên. Công an đã thụ lý hồ sơ, có mời chị H. lên làm việc, nhưng chị chưa sắp xếp được.

Nhiều nhà đầu tư cùng chung cảnh ngộ

Những hợp đồng góp vốn của chị Nghiêm Thị T. H. vào Công ty CP Tập đoàn Chợ Toàn Cầu với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng, nguy cơ khó thu hồi.

Cùng chung cảnh ngộ với chị H. nhiều tháng trôi qua, nhiều nhà đầu tư không nhận được tiền lợi nhuận như trong cam kết hợp đồng. Họ hoang mang không biết kêu ai khi hàng ngày phải gồng mình kiếm tiền trả nợ vay.

Báo GD&TĐ đã liên hệ với hàng chục nhà đầu tư ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước để kiểm chứng thông tin. Đơn cử tại Nghệ An và Hà Tĩnh, hàng chục nhà đầu tư bất an khi Công ty Chợ Toàn Cầu đột ngột ngừng trả lợi nhuận trong khoảng thời gian dài.

Anh Hồ Văn M. được bổ nhiệm chức danh Giám đốc Văn phòng Đại diện của công ty tại Hà Tĩnh, cho biết: “Nói là giám đốc cho oai chứ tôi không có con dấu, cũng chẳng có lương. Mình đầu tư vào công này gần 1 tỷ đồng, thế nhưng nhiều tháng nay không nhận được tiền lợi nhuận từ công ty”, anh M. nói.

Anh Lê Văn Ch. (TP. Vinh, Nghệ An) cũng được “phong” chức danh Phó Giám đốc kinh doanh. Anh Ch. nói rằng, chính anh Hồ Văn M. là người giới thiệu vào tham gia góp vốn tại Công ty Chợ Toàn Cầu.

Chỉ qua một lần “đi tham quan cho vui” cùng đoàn nhà đầu tư lên chợ Đô Lương, anh Ch. đã mang 70 triệu đồng đầu tư vào công ty. Sau khi nhận được tiền chi trả lợi nhuận 3 tháng đầu kể từ khi tham gia, nhiều tháng trôi qua anh Ch. chỉ nhận được những lời hứa suông từ lãnh đạo công ty này.

Bà Võ Thị Bích N. – dưới chi nhánh của anh M – cho biết, có đầu tư vào Công ty Chợ Toàn Cầu khoảng 30 triệu đồng. Thấy những thông tin quảng bá rầm rộ về công ty này khả quan, nhà đầu tư được tổ chức cho đi tham quan các khu chợ ở Nghệ An (Đô Lương), Hà Tĩnh nên bà N. rủ thêm chị gái đầu tư bước đầu 70 triệu đồng.

“May còn dừng lại kịp thời, mình và người thân đầu tư thêm nữa thì không biết lấy tiền đâu mà trả nợ”, bà N. nói. Trong câu chuyện, bà N. cung cấp thông tin cho phóng viên có những nhà đầu tư tại Nghệ An đã đầu tư góp vốn vào Công ty Chợ Toàn Cầu với số tiền từ vài trăm triệu đến cả gần chục tỷ đồng.

 

Cơ quan Cảnh sát điều tra công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Khuyên – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tâm Lộc Phát để điều tra về hành vi huy động vốn từ hàng nghìn nhà đầu tư, hứa trả lãi theo ngày rồi chiếm đoạt tiền. Nhà chức trách cáo buộc, từ năm 2019 đến nay, bà Khuyên và ông Toàn đã huy động hơn 5.100 tỷ đồng. Từ tháng 9/2023, bà Khuyên không trả được lãi như cam kết và mất khả năng chi trả trên 1.000 tỷ đồng.

Nguyễn Thái Luyện bị tuyên mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, từ tháng 5/2016, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty Alibaba với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Sau đó thành lập thêm 22 pháp nhân thuộc Công ty Alibaba, giao cho người thân và nhân viên đứng tên, sử dụng 12 công ty với tư cách là chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật, tự phân lô, tách thửa trái pháp luật; quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người. Toàn bộ các dự án được vẽ trái phép trên diện tích đất nông nghiệp, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng. Bằng các thủ đoạn này, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng…

Theo Giáo Dục Thời Đại

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/bai-1-nguy-co-mat-trang-tien-gop-von-post700159.html