Nợ có khả năng mất vốn của VIB tính đến cuối quý III/2024 đã tăng gấp 2,7 lần so với đầu năm, lên tới 6.028 tỷ đồng, chiếm 52% tổng nợ xấu.

Mới đây, Công ty cổ phần Unicap vừa báo cáo về việc không còn là nhóm cổ đông nắm giữ từ 5% cổ phần VIB trở lên. Theo đó, ngày 29/10, bà Tống Ngọc Mỹ Trâm không còn là người liên quan của Unicap, qua đó, tổ chức này và những người liên quan giảm sở hữu từ 222,55 triệu cổ phiếu xuống 119,77 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,47% giảm xuống 4,02% vốn VIB).

Unicap nắm giữ 60,22 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,02%). Bà Nguyễn Thùy Nga, Chủ tịch HĐQT Unicap và người liên quan là ông Trương Hồng Hải nắm giữ tổng số 59,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,99%).

Cùng ngày, Unicap và những người liên quan đã mua vào 85 triệu cổ phiếu VIB để nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên 204,77 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,87% vốn VIB). Qua đó, nhóm nhà đầu tư này trở lại ghế cổ đông lớn.

Trong đó, Unicap nắm giữ 103,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,46% vốn VIB), bà Nguyễn Thùy Nga và ông Trương Hồng Hải nắm giữ tổng cộng 101,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,4% vốn VIB).

Unicap được thành lập ngày 4/9/2024, trụ sở tại tòa nhà Mê Linh Point, số 2 Ngô Đức Kế,phường Bến Nghé, quận 10, TP.HCM. Vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập: bà Nguyễn Thuỳ Nga (49,5%) và bà Tống Ngọc Mỹ Trâm (49,5%) và ông Đặng Khắc Cường (1%).

Việc Unicap tăng sở hữu cổ phiếu VIB được cho là có liên quan đến cổ đông lớn khác là Commonwealth Bank Of Australia (CBA). Trước đó, ngày 24/9, Unicap cũng tăng sở hữu tại VIB sau khi CBA bán ra lượng lớn cổ phiếu.

Cũng trong phiên 29/10, cổ đông ngoại Commonwealth Bank (CBA) đã bán ra 300 triệu cổ phiếu, qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu từ 440,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 14,77%) xuống 140,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,7%) và không còn là cổ đông lớn của VIB.

Động thái thoái vốn của khối ngoại tại VIB được cho là bắt nguồn từ quyết định của Đại hội đồng cổ đông bất thường của VIB vào tháng 6. Trong đó, đại hội đã thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống còn 4,99%. Điều này buộc các nhà đầu tư ngoại phải bán ra để đưa tỷ lệ sở hữu về mức tối đa cho phép.

CBA cũng cho biết, việc thoái vốn tại Ngân hàng VIB sẽ giúp tăng tỷ lệ an toàn vốn cấp 1, dựa trên số liệu tài sản có rủi ro tín dụng (RWA) vào ngày 30/6/2024. Hiện CBA chưa cho biết có tiếp tục thoái thêm vốn tại Ngân hàng VIB nữa hay không.

Bên cạnh việc cổ đông chiến lược CBA thoái vốn, hoạt động kinh doanh của VIB tiếp tục cho thấy nhiều vấn đề khi các mảng kinh doanh chính có phần giảm sút, đặc biệt là khối nợ của nhà băng này đang ngày một “phình to”.

Trong quý III/2024, VIB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 4.060 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Các khoản thu nhập đa số thụt lùi trong khi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ vẫn neo cao đã kéo lợi nhuận sau thuế của VIB giảm gần 26% so với cùng kỳ, ở mức 1.599 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 8,3%, về gần 12.677 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 5.283 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản VIB ở mức gần 445.378 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 297.550 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm.

Thời điểm cuối quý III/2024, tổng dư nợ cho vay khách hàng của VIB đạt 297.549 tỷ đồng, tăng 11,7% so với thời điểm đầu năm. Nợ xấu (gồm các nhóm nợ 3, 4, 5) đã tăng đột biến 36,8%, lên mức 11.461 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo tình trạng khách hàng tại VIB là 2,67%, trong khi đó, con số này ở thời điểm cuối năm 2023 là 2,20%.

Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của Ngân hàng VIB tính đến cuối quý III/2024 đã tăng gấp 2,7 lần so với đầu năm, lên tới 6.028 tỷ đồng, chiếm 52% tổng nợ xấu. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn từ hoạt động cho vay khách hàng là hơn 5.986 tỷ đồng.

Bất động sản vẫn chiếm ưu thế trong số các tài sản thế chấp cho các khoản vay tại VIB. Tổng giá trị tài sản và giấy tờ có giá mà ngân hàng nhận thế chấp và cầm cố đạt gần 598.400 tỷ đồng, trong đó giá trị bất động sản chiếm hơn 66%, tương đương hơn 399.300 tỷ đồng. Một phần lớn khác trong tài sản thế chấp là các phương tiện vận tải, với giá trị hơn 74.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá mới đây của một công ty chứng khoán, với mô hình bán lẻ đặc trưng, cho vay khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh cá thể chiếm đến 80% tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến ngày 30/9/2024, áp lực nợ xấu của Ngân hàng VIB có thể kéo dài hơn so với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao.

Theo Giáo Dục Thời Đại

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/ngan-hang-vib-loi-nhuan-giam-sut-no-co-kha-nang-mat-von-hon-6000-ty-dong-post707792.html