Thẻ tín dụng đang ngày càng phổ biến khi góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Khách hàng cần nắm rõ những quy định khi sử dụng thẻ tín dụng nhằm mang lại hiệu quả.
Để tránh những rủi ro không đáng có, khách hàng cần trang bị kiến thức về những quy định thời gian miễn lãi, quy định thanh toán…
Hiểu rõ…
Thẻ tín dụng được biết đến là loại hình thanh toán hiện đại với nhiều tiện ích được đi kèm, thời gian vừa qua, sau vụ việc “đòi nợ” thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng của Eximbank đã xuất hiện những thông tin đang dần sai lệch trên các mạng xã hội về cách dùng hình thức thanh toán này.
Liên quan đến sự việc, phía ngân hàng đã liên hệ, thông báo, đôn đốc khách hàng trả nợ. Còn khách hàng lại phủ nhận rằng họ chưa nhận thông tin này và chưa chi tiêu.
Được biết, liên quan đến vụ việc hi hữu này, luật sư – người bảo vệ đại diện của chủ thẻ đã có buổi làm việc với lãnh đạo của Ngân hàng Eximbank. Nội dung chi tiết buổi làm việc không được tiết lộ. Tuy nhiên, cả hai bên thống nhất mong muốn phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất.
Từ vụ việc tại Eximbank, các chuyên gia cho rằng, để tránh những hiểm họa lãi suất từ thẻ tín dụng, khách hàng có thể theo dõi thông tin tín dụng của bản thân, bằng cách tra cứu miễn phí trên website của CIC, dù đã từng vay ngân hàng hay chưa.
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể kiểm tra trực tiếp trong quá trình giao dịch với ngân hàng, công ty tài chính. Khách hàng cũng có thể nhờ nhân viên tại đây kiểm tra thông tin tín dụng. Với trường hợp này, khách hàng cũng cần cung cấp cho tổ chức tín dụng thẻ căn cước công dân.
Theo ông Lê Hoàng Long, chuyên gia tài chính, để sử dụng thẻ tín dụng an toàn, người có thẻ phải hiểu tất cả những hướng dẫn sử dụng; lập mật khẩu và giữ mật khẩu không để lộ ra ngoài; trả nợ đúng hạn để không bị tính lãi.
Quan trọng nhất phải tính toán khi mua món hàng nào đó thì mình có đủ khả năng trả nợ hay không. Thường ngân hàng dùng chỉ tiêu nợ mỗi tháng chia cho thu nhập của người đó. Tỷ lệ an toàn nhất là 50%. Tỷ lệ này lên càng cao thì càng rủi ro.
“Thẻ tín dụng là một trong những giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, chi tiêu trước, trả tiền sau. Số tiền chi tiêu tối đa nằm trong hạn mức thẻ tín dụng được cấp.
Chủ thẻ được hưởng thời gian miễn lãi trung bình từ 45 – 55 ngày, hết thời hạn miễn lãi, có thể chọn thanh toán mỗi tháng là thanh toán dư nợ tối thiểu hoặc thanh toán toàn bộ dư nợ”, ông Long nhìn nhận.
Kiểm soát tốt
Anh Nguyễn Văn Dương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, người tiêu dùng có thẻ tín dụng nên theo dõi hàng tháng bằng việc sao kê từ ngân hàng hoặc kiểm tra qua các ứng dụng hoặc website do ngân hàng cung cấp để dễ dàng quản lý các khoản chi tiêu cũng như các khoản vay của mình.
Nếu người dùng thẻ tín dụng bỏ thẻ quá lâu không sử dụng, hoặc không đăng ký biến động số dư qua tài khoản, không sử dụng app, không sử dụng email, rất dễ dẫn đến việc bỏ quên, không theo dõi được những thông tin, biến động số dư sẽ dẫn đến những trường hợp tiềm ẩn rủi ro.
Chị Phạm Kim Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, bản thân đã từng phải gánh một khoản nợ bất thình lình từ phía ngân hàng do chưa nắm rõ về việc sử dụng thẻ tín dụng.
“Cách đây khoảng 2 năm, tôi có sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu ở nước ngoài, mức chi tiêu cũng khoảng 30 triệu đồng, đến khi thanh toán nhưng lại không để ý kỹ nên thanh toán theo số tròn, để lại khoản nợ khoảng 100 nghìn đồng.
Trong tháng tiếp theo sau đó, tôi lại thấy ngân hàng thông báo khoản nợ lên 500 nghìn đồng, tôi thắc mắc thì được nhân viên ngân hàng trả lời, do lãi suất được tính theo khoản chi tiêu từ đầu, không phải lãi suất theo mức nợ thực tế tại thời điểm hiện tại.
Từ đó trở đi, tôi hạn chế chi tiêu thẻ. Nếu có tiêu cũng để ý để trả đúng khoản tiền mình chi tiêu, kể cả con số tiền nhỏ nhất để tránh phải trả lãi suất không đáng có”, chị Linh chia sẻ.
Chị Linh cũng đưa ra lời khuyên, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng cần phải nghiên cứu kỹ quy định sử dụng, quy định về tính lãi, phí, trách nhiệm liên quan. Bên cạnh hợp đồng sử dụng thẻ, khách hàng tìm hiểu kỹ biểu phí, cách tính lãi cho thẻ.
Hiện nay, có không ít người dùng vẫn chưa hiểu hết về khái niệm và cách dùng của thẻ tín dụng, đôi khi quên thanh toán đúng hạn, vô tình lộ thông tin thẻ… Thẻ tín dụng cũng dễ dẫn tới tình trạng tiêu vô tội vạ, dễ mắc nợ nếu khách hàng không kiểm soát được chi tiêu của bản thân.
Cũng có những trường hợp người dùng có 4 – 5 thẻ ngân hàng khác nhau nhằm mục đích “quay vòng” nợ vì ngày chốt sao kê của mỗi ngân hàng khác nhau. Nói sử dụng thẻ tín dụng trong thời hạn là miễn phí, nhưng nhiều người lại mặc nhiên dùng để rút tiền mặt chi tiêu, trong khi phí rút tiền có thể lên 3 – 5% tùy từng sản phẩm thẻ.
Một thực trạng nghiêm trọng hơn là tình trạng quẹt thẻ “khống” ở các máy POS. Rất nhiều trong số đó là hình thức giao dịch không phát sinh việc mua bán hàng hóa dịch vụ thực sự mà đơn thuần rút tiền mặt.
Hiện nay, có không ít quảng cáo trên mạng xã hội về hình thức rút tiền hoặc đáo hạn thẻ tín dụng dưới dạng này. Thị trường cũng đã từng xuất hiện tình trạng cho thuê thẻ tín dụng để tận dụng hạn mức chưa sử dụng hết.
Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TPHCM nhìn nhận, rủi ro về giao dịch mua hàng khống bằng thẻ tín dụng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy nếu không được kiểm soát triệt để.
Khách hàng có thể rơi vào vòng xoáy nợ nần, vì vừa phải trả nợ cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng, vừa tiếp tục phải trả phí cho điểm rút tiền thực hiện giao dịch khống. Còn với ngân hàng phát hành thẻ, việc khách hàng rút tiền từ thẻ tín dụng có thể làm méo mó thị trường tín dụng; gián tiếp tạo nên nợ xấu, khi dư nợ vượt quá khả năng trả nợ của chủ thẻ.
“Dù đã có sự can thiệp từ luật pháp, nhưng để hạn chế tình trạng này người dùng phải tự nâng cao ý thức và phải thật cẩn trọng trong việc sử dụng thẻ tín dụng. Không nên vì lợi ích trước mắt thực hiện các giao dịch vi phạm quy định, hoặc bị kẻ xấu lợi dụng làm giả thẻ ngân hàng để trục lợi”, luật sư Bình đưa ra lời khuyên.
Theo Giáo Dục Thời Đại
Link gốc: Hiểu rõ thẻ tín dụng để tránh rủi ro