Đề án giao thông thông minh, góp phần giảm thiểu ùn tắc, ô nhiễm… xây dựng Thủ đô thông minh đã được HĐND TP Hà Nội thông qua.
Một góc giao thông Thủ đô Hà Nội.
Cùng với thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ), Hà Nội chủ trương hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở nội đô vào năm 2030. Đề án giao thông thông minh, góp phần giảm thiểu ùn tắc, ô nhiễm… xây dựng Thủ đô thông minh đã được các cấp chính quyền Hà Nội thông qua.
Thách thức từ giao thông
Tại Kỳ họp thứ 19, HĐND TP Hà Nội khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 – 2026), Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, theo quy hoạch định hướng phát triển đến năm 2030 Hà Nội có quy mô dân số 12 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị 90.000ha. Dự báo đến năm 2045 dân số 14,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị 120.000ha.
Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho rằng, giải pháp hiệu quả tháo gỡ được những bài toán khó khăn chính là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông.
Qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) giữ vai trò quan trọng, có tính nền tảng và là một trong các trụ cột chính của thành phố thông minh (không thể có được thành phố thông minh nếu không phát triển được hệ thống giao thông thông minh).
Vì vậy, việc triển khai đề án sẽ giải quyết được các tồn tại, hạn chế hiện nay và hình thành hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo các giai đoạn, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Nội dung hành động của đề án chính là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông. Do vậy, việc ban hành nghị quyết thông qua Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” là hết sức cần thiết.
Nguyên tắc xây dựng đề án bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khoa học và thực tế; bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện; các ứng dụng của hệ thống giao thông thông minh thành phố phải có tính mở, cho phép người sử dụng có khả năng lựa chọn, ra quyết định, đồng thời bảo đảm sẵn sàng chia sẻ, phát triển.
Đồng thời, tuân thủ kiến trúc chính phủ điện tử, các nền tảng số quốc gia, kiến trúc tham chiếu cho hệ thống ITS trong nước TCVN 12836-1:2020 của Bộ KH&CN, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT, khung kiến trúc của thành phố thông minh.
Trên cơ sở thực tiễn và đề án, tại Kỳ họp thứ 19 này, HĐND TP Hà Nội thông qua Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”.M
Mục tiêu và yêu cầu của đề án là định hướng phương án hình thành hệ thống giao thông thông minh cho TP Hà Nội theo từng giai đoạn cụ thể. Trong đó có việc hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của thành phố vào năm 2025.
Bên cạnh đó là xác định được khung kiến trúc chung và các chức năng chính cơ bản của hệ thống giao thông thông minh. Vấn đề định hướng các cơ chế chính sách trong quản lý, đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống; phân công trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện cũng đã được vạch rõ.
Thận trọng với từng giai đoạn
Về định hướng phát triển theo các giai đoạn, trên cơ sở đánh giá thực tiễn của TP Hà Nội kết hợp với ý kiến tham gia góp ý của ba tập đoàn (VNPT; Viettel; FPT) đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo ba giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2025 – 2027) với mục tiêu hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội, trong đó có bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh với giai đoạn đầu khai thác 9/12 chức năng (Giám sát giao thông; Cung cấp thông tin giao thông; Điều khiển giao thông; Hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; Quản lý giao thông công cộng; Quản lý đỗ xe; Quản lý sự cố; Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng).
Giai đoạn 2 (2028 – 2030) hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh (bổ sung 3 chức năng còn lại: Quản lý vận tải; Quản lý nhu cầu thu phí nội đô; Mô phỏng giao thông). Tích hợp toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành giao thông thành phố tại trung tâm.
Giai đoạn 3 (từ sau 2030), mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh thành phố, kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên những luồng di chuyển thông minh trong thành phố thông minh, đưa Hà Nội trở thành thành phố có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.
Trong tháng 11/2024, Hà Nội đã tổ chức vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố, đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Sự kiện đánh dấu mốc son quan trọng trong quá trình phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, tiện ích và hướng đến tương lai xanh, phát triển bền vững cho Thủ đô.
Theo UBND TP Hà Nội, thực tiễn đã chứng minh hạ tầng giao thông phát triển đến đâu, không gian phát triển mới được hình thành đến đó, quỹ đất được khai thác hiệu quả. Đường sắt đô thị là phương thức vận tải quan trọng, cung cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao, năng lực vận tải lớn, ổn định, tin cậy, an toàn, thân thiện môi trường.
Theo Giáo Dục Thời Đại
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/giao-thong-thong-minh-giai-bai-toan-un-tac-o-nhiem-o-ha-noi-post710009.html