Gần đây xuất hiện tổ chức có tên gọi Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTCI), hoạt động “chui” tại Việt Nam, thường xuyên mời gọi thành viên tham gia và đóng tiền để nhận bằng tiến sĩ… danh dự.

Tự giới thiệu là tổ chức có thành viên trên toàn cầu, được thành lập với sứ mệnh thúc đẩy ngoại giao nhân dân, hợp tác khoa học, công nghệ, thương mại… giữa Ấn Độ và các quốc gia trên toàn cầu; nhưng trên thực tế, Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTCI) là tổ chức có rất ít thông tin tại Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn, GTTCI thậm chí còn liên kết với một số trường đại học “ma” để thực hiện việc trao chứng nhận giáo sư, tiến sĩ danh dự cho nhiều cá nhân tại Việt Nam, thu về nguồn lợi “khủng”.

Doanh nhân Hoàng Mai Chung nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Apollos, đại học này không thấy thông tin tại chuyên trang tra cứu thông tin các trường đại học, hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ

Tài trợ hàng nghìn USĐ để trở thành giáo sư, tiến sĩ danh dự?

Thời điểm tháng 12/2023, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng rầm rộ xuất hiện hàng loạt các thông tin về việc, có tới 52 cá nhân tiêu biểu của Việt Nam vinh dự được “sắc phong” danh hiệu giáo sư, tiến sĩ danh dự của trường Đại học Apolos (Hoa Kỳ) và trường Đại học Quốc tế mở và trực tuyến Cambridge (Canada).

Được biết, lễ sắc phong danh hiệu này nằm trong khuôn khổ “Diễn đàn Khoa học và Kinh tế toàn cầu”, diễn ra vào ngày 21/12/2023 tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Diễn đàn do một tổ chức có tên là Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (Global Trade &Technology Council of India – GTTCI) tổ chức.

Quá trình tìm hiểu cho thấy, điều kiện để được sắc phong danh hiệu giáo sư, tiến sĩ danh dự của các trường đại học mang tầm cỡ quốc tế như đã nêu trên vô cùng đơn giản, đó là những khách mời “may mắn” chỉ cần bỏ ra số tiền vài nghìn USD để nộp cho ban tổ chức là xong.

Điều này đồng nghĩa với việc, để trở thành giáo sư, tiến sỹ tại các trường đại học quốc tế như Apolos và Quốc tế Cambridge, những cá nhân người Việt Nam không cần phải tham gia bất cứ khoá học, khoá đào tạo nào của những trường đại học này, cũng không cần có bất kỳ công trình nghiên cứu khoa học nào cả; chỉ cần có tiền và đồng ý chi tiền để tham dự diễn đàn là đủ.

Trước đó, ngày 16/10/2023, GTTCI đã gửi đi hàng loạt thư mời với chủ đề “Lời mời nhận Học vị Tiến sĩ danh dự” do người tự xưng là Tiến sĩ Gupta – Chủ tịch sáng lập GTCCI ký tới hàng loạt cá nhân tại Việt Nam. Trong đó, nêu ra việc GTTCI công nhận sự cống hiến xuất sắc và đóng góp đáng kinh ngạc của người nhận được thư mời, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu.

Nội dung bức thư thậm chí còn mời những cá nhân này đến tham dự buổi lễ tốt nghiệp đại học diễn ra vào tháng 12/2023 tại Thủ đô Newdelhi (Ấn Độ); dù có những người trong số họ còn chưa từng nghe qua tên, hay biết đến bất kỳ thông tin gì của trường đại học thuộc “top trường đại học tốt nhất trên thế giới” được nêu trong thư.

Rất đông người tham gia sự kiện do Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTCI) tổ chức
“Đại học Maryland State đã chọn thể hiện sự cam kết xuất sắc của quý vị bằng cách trao tặng Học vị Tiến sĩ danh dự. Chúng tôi rất vui mừng mời quí vị tham dự buổi lễ tốt nghiệp trọng đại, sẽ đánh dấu mốc quan trọng này trong hành trình của quí vị”, trích nội dung thư mời tham dự lễ sắc phong.

Kèm theo bức thư mời nói trên, là một phiếu đăng ký tham dự chương trình, với tổng kinh phí khách mời tham dự phải nộp là 6.800 USD (khoảng 170 triệu đồng); với 02 hình thức thanh toán là nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Nếu thanh toán tiền mặt thì nộp tiền mặt trực tiếp tại văn phòng của GTTCI tại Việt Nam; nếu chuyển khoản thì chuyển vào số tài khoản cá nhân mang tên bà Đặng Thị Thanh – Trưởng đại diện văn phòng GTCCI.

Có một điều rất khó hiểu đó là, GTTCI gửi thư mời nhiều người tham dự lễ sắc phong tiến sỹ danh dự do Đại học Maryland State trao tặng; nhưng trên thực tế, tại “Diễn đàn Khoa học và Kinh tế toàn cầu” diễn ra vào tháng 12/2023, những khách mời tham gia lại được nhận chứng nhận giáo sư, tiến sĩ danh dự của Đại học Apolos và Đại học Quốc tế Cambridge.

Đáng chú ý, trong nội dung quảng bá về diễn đàn này được đăng trên trang “Khám phá du lịch Việt Nam” (travelguide.org.vn), của Viện phát triển du lịch châu Á – ATI, có khẳng định rất rõ về việc khách mời tham dự của diễn đàn này có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, theo Đại sứ quan Việt Nam tại Ấn Độ, cơ quan này không cử bất kỳ đại diện nào tham gia “Diễn đàn Khoa học và Kinh tế toàn cầu” cũng như “Lễ sắc phong giáo sư, tiến sĩ danh dự” được tổ chức tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) vào ngày 21/12/2023.

Trao chứng nhận của… đại học ma

Đi sâu tìm hiểu vào những hoạt động của tổ chức mang tên Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTCI) tại Việt Nam, có thể nhận thấy rất nhiều những điều bất thường. Đến thời điểm hiện tại, GTTCI hoàn toàn chưa được pháp luật Việt Nam công nhận; đồng nghĩa với việc tổ chức này đang hoạt động “chui”, tổ chức “chui” các sự kiện, hội nghị, hội thảo để trao các loại văn bằng, chứng nhận gắn mác “quốc tế” tại Việt Nam.

Theo đó, sau khi đổi địa điểm văn phòng từ T6, Time City – 458 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sang Tầng 6 Toà nhà VCCI – số 9 Đào Duy Anh (quận Đống Đa, Hà Nôi), GTTCI đã tổ chức hàng loạt sự kiện rất rầm rộ. Thời điểm hiện tại, GTTCI đang khẩn trương chuẩn bị cho việc tổ chức chương trình có tên “Diễn đàn khoa học và kinh tế toàn cầu”; trong đó có chương trình “Sắc phong hàm danh dự viện sĩ – giáo sư – tiến sĩ Dubai – UAE” diễn ra vào ngày 23/4/2024 tại Khách sạn Hilton 5* (Hà Nội).

Theo tài liệu mà GTTCI gửi cho các khách mời, đối tượng kết hợp với GTTCI lần này để trao tặng các loại chứng nhận nói trên được quảng cáo là “một trường đại học tư thục được tài trợ bởi Tổ chức Liên minh Doanh nhân Quốc tế” có tên Orange County University (trụ sở tại Hoa Kỳ).

Với mức độ danh tiếng mang tầm quốc tế như vậy, mức phí mà những khách mời “may mắn” phải chi trả dưới hình thức tài trợ cho “Diễn đàn khoa học và kinh tế toàn cầu”, nếu muốn được nhận các học vị nói trên cũng rất cao, lên tới hàng chục nghìn USD (tương đương vài trăm triệu đồng).

Nội dung hồ sơ mời tài trợ cho diễn đàn của GTTCI nêu rõ: mức tham gia 1 có giá 13.600 USD (tương đương 340 triệu đồng); mức tham gia 2 có giá 8.900 USD (tương đương 222,5 triệu đồng); mức tham gia 3 có giá 3.500.USD (tương đương 87,5 triệu đồng); mức tham gia dành cho khách đi kèm có giá 2.200 USD (tương đương 55 triệu đồng) và gói dịch vụ hợp pháp hoá lãnh sự cho bằng cấp có giá 500 USD (tương đương 12,5 triệu đồng).

Tiến hành tra cứu thông tin về các trường đại học mà phía GTTCI quảng cáo là liên kết để trao chứng nhận gồm: Apollos, MarryLand, Orange County University… thông qua www.usnews.com (chuyên tra cứu thông tin các trường đại học, hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ) thì hoàn toàn không có bất cứ thông tin, dữ liệu nào liên quan đến những trường mà GTTCI đã quảng bá.

Trong khi đó, trong danh sách các trường đại học, hệ thống giáo dục nước ngoài được Việt Nam công nhận, cũng hoàn toàn không có bất cứ dữ liệu nào liên quan đến các trường, tổ chức giáo dục mà GTTCI đã nêu.

Nhằm làm rõ hoạt động của GTTCI tại Việt Nam, PV Báo GDTĐ đã trao đổi thông tin với Cục Hợp tác Quốc tế – Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Sau khi xem xét thông tin, Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Giáo dục và Đào tạo không có thông tin về tổ chức GTTCI nêu trên. Nếu có thông tin họ hoạt động liên quan giáo dục mà không đúng quy định pháp luật thì phải xem cơ quan nào cấp phép, từ đó có văn bản kiểm tra, xác minh

Trước những vấn đề và các hoạt động của GTTCI như đã nêu, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm.

“Trong thư mời cho sự kiện Diễn đàn khoa học và kinh tế toàn cầu Dubai-UAE có kèm việc trao chứng nhận vào của GTTCI kết hợp với một trường có tên là Orange Coutry University, đơn vị tiếp nhận các gói tài trợ là Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ T&A.
Công ty cổ phần thương mại dịch vụ T&A thành lập vào năm 2010, do bà Đặng Thị Thanh làm người đại diện. Công ty này có địa chỉ tại Số 6, ngõ 147B, phố Tân Mai, Phường Tân Mai, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Thông tin cho thấy, kết thúc năm 2022, tổng tài sản của T&A là 1,2 tỷ đồng nhưng tổng nợ là 1,4 tỷ đồng. Trong cả năm 2022, công ty này không ghi nhận khoản doanh thu nào và hiện đang âm vốn chủ sở hữu là 100 triệu đồng”.

Theo Giáo Dục Thời Đại

Link gốc: https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/map-mo-trao-chung-nhan-giao-su-tien-si-cua-dai-hoc-ma-ben-nuoc-ngoai-137471.html?fbclid=IwAR0FD5Z3w2YsZNtNN38jeeYv6sA77W2JdiggSd5o2i4inJaTH6jbXvCOw2I_aem_AUr8Q7WO1GIzuTXFd4jG5545kZUoNbZt19IiO9VFenoCEXJavBVgYj_EiiZgN7ZgByBKc55ncLuVRpCEUG4XzBlN